Các loại phân bón sử dụng trong chăm sóc cây xanh bạn cần biết!
Thức ăn là nguồn cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của con người, động vật và các sinh vật khác. Cây xanh cũng không ngoại lệ, cũng cần thức ăn để phát triển và sinh trưởng. Chất dinh dưỡng được cung cấp cho cây trồng thông qua phân bón. Cùng Cây Xanh Đại Ngàn tìm hiểu rõ hơn về các thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng cũng như các loại phân bón sử dụng trong chăm sóc cây xanh qua bài viết sau đây nhé!
16 nguyên tố dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng
Muốn cây xanh phát triển tốt thì chúng cần được cung cấp đủ các chất từ đa, trung lượng và vi lượng. Một số chất vi lượng dù cần rất ít nhưng lại không thể thiếu trong quá trình sinh trưởng của cây trồng.
Ngoài Hydro, carbon và oxy, 13 nguyên tố còn lại cần thiết cho cây xanh trong chu kỳ sống của mình, được phân thành 3 nhóm gồm:
- Nhóm đa lượng: N (Đạm), P (Lân), K (Kali). Là nhóm các chất dinh dưỡng thiết yếu cây trồng cần nhiều.
- Nhóm trung lượng: Lưu huỳnh (S), Canxi (Ca), Magiê (Mg), Silic (Si)
- Nhóm vi lượng: Mangan (Mn), Đồng (Cu), Bo (B), Kẽm (Zn), Sắt (Fe), Molypden (Mo), Clo (Cl)
Các chất dinh dưỡng này được cung cấp từ khoáng chất đất và chất hữu cơ trong đất hoặc bằng phân bón vô cơ hoặc phân hữu cơ, phân bón sinh học (chế phẩm sinh học).
Các chất dinh dưỡng đa lượng cần thiết cho cây trồng
Các chất dinh dưỡng thiết yếu của thực vật bao gồm carbon, oxy và hydro được hấp thụ từ không khí, trong khi các chất dinh dưỡng khác bao gồm nitơ thường được lấy từ đất.
Nitơ (N)
Nitơ cần thiết cho tế bào tổng hợp các enzym, protein, chất diệp lục, DNA và RNA, do đó rất quan trọng trong sự phát triển của các loại cây xanh. Cung cấp không đủ N thường dẫn đến cây xanh, cây ăn trái,… chậm phát triển, giảm hàm lượng protein, năng suất kém,…
Các nguồn nitơ hiện nay được sử dụng trong phân bón cho cây rất nhiều, bao gồm amoniac (NH3 ), diamoni photphat ((NH 4)2HPO4), amoni nitrat (NH4NO3), phân sunfat đạm amoni sunfat (NH4)2SO4), canxi xyanamide (CaCN2), canxi nitrat (Ca(NO3)2), natri nitrat (NaNO3) và phân đạm urê (N2H4CO).
Phốtpho (P)
Sự phát triển của rễ, sức mạnh của thân cây, sự hình thành hoa và hạt, sự trưởng thành của cây xanh, sự cố định N ở các loài cây họ đậu, chất lượng cây trồng và khả năng chống lại bệnh tật của cây xanh là những thuộc tính liên quan đến dinh dưỡng phốt pho. Mặc dù cây hấp thụ phốt pho ít hơn so với nitơ và kali, nhưng không thể đạt được sự phát triển bình thường của cây nếu không có nó.
Kali (K)
Kali điều chỉnh sự đóng mở của khí khổng bằng bơm ion kali. Vì khí khổng đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước, nên kali điều chỉnh sự mất nước từ lá và tăng khả năng chịu hạn. K giúp tạo màu, hình dạng trái cây và cũng làm tăng độ sáng của nó. Do đó, trái cây chất lượng được tạo ra trong đất giàu kali
Thiếu K có thể gây hoại tử hoặc úa lá giữa các gân lá, héo rũ, đốm nâu và nguy cơ nhiễm mầm bệnh cao hơn. Ngoài ra, Kali được sử dụng để tạo cellulose và hỗ trợ quá trình quang hợp bằng cách hình thành tiền chất diệp lục.
Các loại phân bón kali thường sử dụng như: Kali clorua [KCl], Kali sunfat [K2SO4], Kali nitrat [KNO3], Kali-magie sunfat [K2SO4.2MgSO4].
Tìm hiểu thêm: Bón phân cho cây xanh như thế nào giúp tối đa hóa sự phát triển của cây?
Các chất dinh dưỡng trung lượng cần thiết cho cây xanh
Canxi (Ca)
Canxi là một trong những chất dinh dưỡng hỗ trợ cho sự phát triển khỏe mạnh của các loại cây xanh. Các nguồn canxi quan trọng bổ sung dinh dưỡng cho cây xanh từ các loại phân bón khác nhau như phân bón superphotphat đơn (thường gọi là super lân), nitrat canxi, Phân Xianamit canxi, … Cách khác để bổ sung canxi cho đất là bón vôi. Với mục đích này, đá dolomit, magnesit và các khoáng chất canxi cacbonat khác nhau được sử dụng.
Magie (Mg)
Magie là thành phần thiết yếu của chất diệp lục nên rất cần thiết cho quá trình quang hợp của cây xanh. Mg là một chất kích hoạt và là thành phần của nhiều enzym thực vật cần thiết trong quá trình tăng trưởng.
Các loại phân bón cung cấp magie cho cây trồng thường sử dụng như: Phân bón Magie Sunfat (MgSO4), phân bón lá magie,các loại phân trung vi lượng như: vi lượng đặc hiệu THT 25+, vi lượng vàng chứa hàm lượng Magie cao thường được sử dụng để bón cho cây xanh khi chúng có dấu hiệu thiếu magie (lá già vàng nhưng gân lá vẫn xanh)
Lưu huỳnh (S)
Lưu huỳnh là chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tổng hợp protein. Nó được coi là thành phần thiết yếu của dầu trong các hợp chất thơm, sản xuất chất diệp lục, cần thiết cho sự hình thành nốt sần trên rễ cây họ đậu, tăng kích thước và trọng lượng của cây ngũ cốc, hỗ trợ sản xuất hạt giống. Để phòng chống thiếu lưu huỳnh cần bón phân đạm SA kết hợp với urea, lân supe, …
Một số vi chất dinh dưỡng cần cho sự phát triển của cây xanh
Bo (Bo): ảnh hưởng đến sự hấp thụ nước của rễ, sự chuyển vị của đường. Các loại cây ăn trái, cây hoa cảnh cần Bo để hình thành hoa, hạt phấn, tăng khả năng đậu trái và giảm tỷ lệ rụng trái non.
Clo (Cl): cần thiết cho một số quá trình thực vật, hoạt động trong hệ thống enzym.
Mangan (Mn): cần thiết trong quá trình trao đổi chất của thực vật, chuyển hóa nitơ.
Kẽm (Zn): rất quan trọng trong quá trình trao đổi chất của thực vật, giúp hình thành các hormone tăng trưởng và sinh sản. Sử dụng phân kẽm qua lá cho cây là biện pháp thường được sử dụng hiện nay.
Đồng (Cu): giúp sử dụng sắt và hỗ trợ quá trình hô hấp. Đồng là một chất dinh dưỡng rất quan trọng, giúp cây xanh hạn chế việc bị nấm bệnh tấn công.
Molypden (Mo): cải thiện sự phát triển, sinh sản của cây.
Quan tâm: Dịch vụ chăm sóc cây cảnh sân vườn HCM chuyên nghiệp, uy tín giá tốt 2024!
CÁC LOẠI PHÂN BÓN PHỔ BIẾN TRONG CHĂM SÓC CÂY TRỒNG
Phân bón và thuốc trừ sâu là hai loại vật tư phục vụ ngành nông nghiệp. Có thể nói phân bón là thức ăn, còn thuốc trừ sâu là thuốc chữa bệnh cho các loại cây trồng. Trong số các vật liệu dùng trong nông nghiệp, phân bón được sử dụng rộng rãi nhất. Dựa trên quy trình sản xuất, nó có thể được phân thành ba loại: phân bón hóa học, phân bón hữu cơ và phân bón sinh học.
Phân bón hóa học (phân bón vô cơ)
Phân bón hóa học, hay còn gọi là phân bón vô cơ, được sản xuất theo quy trình công nghiệp. Các chất dinh dưỡng đa lượng chính có trong phân bón vô cơ là nitơ, phốt pho và kali ảnh hưởng đến giai đoạn sinh trưởng và sự phát triển của cây xanh.
Phân vô cơ được chia thành 2 loại: phân đơn (phân đạm, phân lân, phân kali) và phân bón tổng hợp (phân bón chứa từ 2 chất dinh dưỡng trở lên).
Các chất dinh dưỡng dễ hòa tan và cung cấp cho cây trồng nên hiệu quả trực tiếp và nhanh chóng, giá thành rẻ và cạnh tranh hơn so với phân hữu cơ nên người sử dụng dễ chấp nhận và thường xuyên sử dụng hơn. Chúng có hàm lượng chất dinh dưỡng khá cao; chỉ cần một lượng tương đối nhỏ cho sự phát triển của cây.
Tuy nhiên, nhược điểm khi sử dụng phân bón vô cơ nhiều là có thể gây nên tình trạng thoái hóa đất, dẫn đến đất bị chua, mất cân bằng dinh dưỡng và năng suất của các cây ăn quả, cây ra hoa sẽ thấp. Ngoài ra, việc lạm dụng phân bón hóa học có thể dẫn đến tác động tiêu cực như rửa trôi, ô nhiễm nguồn nước, tiêu diệt vi sinh vật và côn trùng thân thiện, cây xanh dễ bị dịch bệnh tấn công.
Phân bón hữu cơ
Phân bón hữu cơ, là loại phân bón có nguồn gốc từ phân động vật, chất thải sinh hoạt, nhà bếp, từ các nhà máy sản xuất than bùn, hải sản…., có đầy đủ các nguyên tố đa lượng, vi lượng, trung lượng cần thiết để bón cho cây cảnh.
Các loại phân hữu cơ phổ biến hiện nay: phân bón hữu cơ truyền thống (phân chuồng, phân trùn quế, phân trộn,..) và phân bón hữu cơ công nghiệp (phân bón vi sinh cố định đạm, Phân vi sinh phân giải lân,..).
Sử dụng phân hữu cơ có lợi vì nó cung cấp vi chất dinh dưỡng và các thành phần hữu cơ giúp tăng khả năng giữ ẩm cho đất và giảm rửa trôi chất dinh dưỡng.
Phân bón hữu cơ là loại phân bón rất quen thuộc và dễ mua. Việc sử dụng phân bón hữu cơ để chăm sóc cây cảnh là một lựa chọn rất kinh tế. Tuy nhiên, nó có hàm lượng dinh dưỡng thấp vì vậy cần sử dụng lượng lớn khi bón phân cho cây cảnh.
Phân bón sinh học
Phân bón sinh học (còn gọi là chế phẩm vi sinh) có khả năng huy động các nguyên tố dinh dưỡng quan trọng trong đất từ dạng không sử dụng được sang dạng sử dụng được thông qua các quá trình sinh học. Phân vi sinh được nhiều người sử dụng bởi nó có chứa nhiều vi sinh vật sống có ích, có khả năng cố định đạm, chuyển đổi photphat hòa tan và kali trong đất thành các dạng có sẵn cho cây trồng, giúp cây dễ hấp thụ các chất dinh dưỡng hơn.
Trên đây là chia sẻ của Cayxanhdaingan.com về các loại phân bón cho cây xanh phổ biến hiện nay. Hy vọng cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích giúp bạn có thêm kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh để luôn duy trì vẻ đẹp khu vườn của mình.